Phương án “khép kín” hai tuyến đường vành đai 3, 4
Để “khơi thông” nguồn lực phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Chính phủ đặt mục tiêu phải đầu tư “khép kín” 2 tuyến đường vành đai 3 và 4 trong giai đoạn 2021-2025. Trong hơn 4 năm tới, các địa phương sẽ phải thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thành gần 73km đường vành đai 3 và 186km đường vành đai 4.
Đồ họa thể hiện quy mô xây dựng 2 tuyến đường vành đai 3 và vành đai 4
Trước đó, sau gần 10 năm được phê duyệt quy hoạch, đường vành đai 3 mới chỉ xây dựng được 16,3km, trong khi đường vành đai 4 chỉ mới hoàn thành xây dựng được 11km.
Giao trách nhiệm thực hiện dự án cho từng địa phương
Đường vành đai 3 và vành đai 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết vào ngày 28-9-2011 (Quyết định số 1697/QĐ-Ttg và Quyết định số 1698/QĐ-Ttg). Theo quy hoạch, UBND các địa phương có các tuyến đường đi qua có trách nhiệm chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các dự án thành phần, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất dọc hai bên các tuyến đường để tạo vốn.
Đây là 2 tuyến đường quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội vùng Đông Nam bộ cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mặc dù được quy hoạch từ lâu và các địa phương đều thống nhất về sự cần thiết đầu tư “khép kín” dự án đường vành đai 3 và triển khai đường vành đai 4, nhưng hiện tiến độ thực hiện được cho là quá chậm, điều này đã ảnh hưởng tới sự phát triển của các địa phương trong vùng.
Để sớm hoàn thành 2 tuyến đường này, tại cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương về dự án đường vành đai 3, 4 vào ngày 14-5, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ GT-VT chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan lập phương án phân chia các dự án thành phần, theo hướng triển khai tối đa theo phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP); hướng dẫn và đôn đốc các địa phương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án; các địa phương có trách nhiệm bố trí vốn giải phóng mặt bằng; phần vốn tham gia của nhà nước trong các dự án PPP sử dụng kết hợp ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Theo Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể, về chủ trương triển khai thực hiện 2 tuyến đường vành đai 3, 4, Chính phủ đã giao cho các địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án thành phần theo phương thức đầu tư PPP để thu hút nguồn đầu tư xã hội hóa. Các địa phương sẽ thực hiện từ khâu giải phóng mặt bằng đến lựa chọn nhà đầu tư và tổ chức triển khai. Bộ chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn thủ tục, đôn đốc thực hiện. “Về mặt pháp lý, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội ra nghị quyết để các địa phương có cơ chế giải phóng mặt bằng cho dự án”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể, để đẩy nhanh tiến độ các dự án trong thời gian chờ nghị quyết của Quốc hội, các địa phương cần thực hiện một số nhiệm vụ phù hợp với các quy định của pháp luật. “UBND các tỉnh, thành phố cần có văn bản trình HĐND tỉnh, thành phố để xin nghị quyết chấp thuận giao địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án. Sau khi có nghị quyết của HĐND, UBND tỉnh, thành phố ký văn bản gửi Chính phủ và Bộ GT-VT để Bộ GT-VT tham mưu Chính phủ ra quyết định giao cho các địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc này hoàn toàn phù hợp với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP (ngày 29-3-2021) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về việc triển khai đầu tư 2 tuyến đường vành đai 3, 4 vào ngày 15-6.
Cùng với đó, các địa phương cũng cần có quyết định giao trách nhiệm thực hiện dự án cho một cơ quan chức năng để làm cơ quan đầu mối tiếp nhận các hồ sơ liên quan đến dự án để tiếp tục triển khai thực hiện. Cơ quan đầu mối này sẽ làm việc trực tiếp với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (là cơ quan được Bộ GT-VT giao nhiệm vụ nghiên cứu tham mưu thực hiện 2 dự án) và Tổng công ty Tư vấn, thiết kế GT-VT (đơn vị tư vấn tổng thể của 2 dự án) để tiếp nhận hồ sơ, nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến, điều chỉnh quy hoạch khai thác quỹ đất hai bên các tuyến đường phù hợp với thực tế của từng địa phương.
Lên phương án phân chia các dự án thành phần
Đường vành đai 3 và vành đai 4 là những dự án giao thông liên vùng được triển khai thực hiện trên địa bàn của nhiều tỉnh, thành phố. Do đó, để hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ, dự án trên địa phương nào, địa phương đó được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cần có sự phân chia phạm vi các dự án thành phần cụ thể để từng địa phương thực hiện đầu tư.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về việc triển khai đầu tư 2 tuyến đường vành đai 3, 4 vào ngày 15-6, ông Nguyễn Việt Cường, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư, Bộ GT-VT cho hay, Bộ GT-VT đã có văn bản gửi các địa phương về dự kiến phân chia phạm vi các dự án thành phần để giao cho các địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai đầu tư xây dựng 2 tuyến đường vành đai 3, 4.
Cụ thể, đối với đường vành đai 3, đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch gồm 4 dự án thành phần, Bộ GT-VT sẽ tiếp tục là cơ quan triển khai thực hiện đầu tư dự án thành phần 1A bằng nguồn vốn đầu tư công, tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án. Đối với dự án thành phần 2A trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ giao cho UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án. Thực hiện ghép dự án thành phần 1B và 2B, bao gồm cả phần nút giao Tân Vạn và giao cho UBND TP.HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. “Riêng đoạn nhánh nối với quốc lộ 1, Bộ GT-VT đề nghị UBND TP.HCM triển khai thành dự án độc lập do trong quy hoạch đường vành đai 3 không có nhánh này” – ông Nguyễn Việt Cường cho biết.
Đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn dài 16,3km hiện đã khai thác với quy mô 6 làn xe, Bộ GT-VT đề nghị UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục nghiên cứu đề xuất đầu tư bổ sung để hoàn thiện thành đường cao tốc nhằm thông toàn tuyến đường vành đai 3.
Đối với đoạn Bình Chuẩn – quốc lộ 22, Bộ GT-VT đề xuất UBND tỉnh Bình Dương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với phân đoạn Bình Chuẩn – cầu Bình Gởi (bao gồm cả cầu vượt sông Sài Gòn). Phân đoạn từ cầu Bình Gởi đến quốc lộ 22, giao UBND TP.HCM làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đoạn cuối tuyến, quốc lộ 22 – Bến Lức, giao UBND TP.HCM làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với phân đoạn quốc lộ 22 – kênh Thầy Thuốc (bao gồm cả cầu vượt kênh Thầy Thuốc). Phân đoạn kênh Thầy Thuốc – Bến Lức giao UBND tỉnh Long An làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tương tự, đối với đường vành đai 4, Bộ GT-VT đề xuất giao các địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai các dự án thành phần đối với các đoạn tuyến đi qua địa bàn. Cụ thể, UBND TP.HCM được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với 3 dự án thành phần; các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương và Long An, mỗi địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với 2 dự án thành phần và UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với 1 dự án thành phần.
Theo thông báo kết luận của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp ngày 14-5 về triển khai các dự án thành phần trên tuyến vành đai 3, vành đai 4 của Văn phòng Chính phủ (thông báo kết luận số 149/TB-VPCP ngày 4-6), Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Bộ GT-VT thực hiện chức năng điều phối tổ chức triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến vành đai 3, vành đai 4, phấn đấu hoàn thành 2 tuyến trên trong giai đoạn 2021-2025.
Theo quy hoạch, dự án Đường vành đai 3 có chiều dài 89km đi qua địa bàn các địa phương: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An. Trong khi đó, đường vành đai 4 có chiều dài 197km đi qua địa bàn các địa phương: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An.
Theo Báo Đồng Nai