Mặc dù đại dịch Covid-19 xảy ra làm kinh tế cả nước bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng thu hút đầu tư trong nước của Đồng Nai vẫn đạt 29 ngàn tỷ đồng, tăng gấp gần 3 lần so với kế hoạch năm 2020. Điều này chứng tỏ, môi trường đầu tư của tỉnh vẫn đang hấp dẫn nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước.

Theo Sở KH-ĐT, các nhà đầu tư trong nước vẫn khá tin tưởng, đưa nguồn vốn lớn vào triển khai các dự án ở Đồng Nai. Trong đó, có những dự án vốn đăng ký lên đến hơn 1 ngàn tỷ đồng và những dự án có vốn lớn phần lớn tập trung ở lĩnh vực đầu tư các khu dân cư.

Những lĩnh vực thu hút DN

Có 3 lợi thế lớn đã giúp Đồng Nai thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước là nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn cấp quốc gia, vùng, tỉnh được triển khai xây dựng, công nghiệp phát triển, dân số đông. Do đó, các DN đến Đồng Nai đăng ký, chuyển nhượng dự án khá nhiều. Lĩnh vực bất động sản, công nghiệp, thương mại dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật đang thu hút những tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư, đăng ký thực hiện dự án.

Các doanh nghiệp trong nước đổ vốn lớn vào làm các khu dân cư. Trong ảnh là một dãy shophouse tại khu đô thị Century City quy mô 49,8ha đang xây dựng tại xã Bình Sơn, Long Thành

Từ năm 2018 đến nay, các tập đoàn, DN lớn đã tiến hành thực hiện các dự án ở Đồng Nai thông qua hình thức mua bán cổ phần của các công ty, sáp nhập. Với số cổ phần mua được trên 51% của những công ty có dự án, các tập đoàn, DN sẽ làm chủ các dự án lớn. Đơn cử như: Novaland, Nam Long, Đất Xanh, Kim Oanh, FLC, LDG…

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam cho biết: “Đồng Nai là nơi được rất nhiều DN trong nước muốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản về công nghiệp, logistics, thương mại dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, nhà ở, đất nền. Phần lớn các tập đoàn, DN lớn về bất động sản đều đã liên kết, hoặc xin cấp phép dự án ở Đồng Nai”.

Năm nay, các dự án đầu tư trong nước thu hút được tập trung ở các huyện Long ThànhNhơn Trạch, Vĩnh Cửu, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh. Trong đó, có 2 dự án cấp mới có vốn lớn đều nằm ở địa bàn H.Nhơn Trạch là: khu dân cư theo quy hoạch tại xã Long Tân hơn 1 ngàn tỷ đồng, khu dân cư theo quy hoạch ở xã Phú Hội trên 1 ngàn tỷ đồng.

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà, năm nay, thu hút vốn đầu tư trong nước có giảm so với năm trước nhưng vẫn tăng 290% so với kế hoạch năm. Nguồn vốn trên chủ yếu đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ nên nếu các DN triển khai nhanh dự án, sớm đưa vào khai thác sẽ góp phần phát triển kinh tế – xã hội những năm tới.

Có thể bạn quan tâm: Long Thành – Nhơn Trạch: Cực tăng trưởng mới của Đồng Nai

Đón “sóng” đầu tư trong nước

Năm 2021, dự tính thu hút đầu tư trong nước của Đồng Nai sẽ tiếp tục khởi sắc khi tỉnh hoàn thành và công bố quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030. Đây là điều các DN đang có ý định đầu tư vào tỉnh mong mỏi nhất, vì trong quy hoạch sử dụng đất sẽ cập nhật đầy đủ những quy hoạch khác như: xây dựng, thương mại dịch vụ, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, đất ở… Các DN có thể căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất để đăng ký thực hiện các dự án cho phù hợp, hạn chế được việc các quy hoạch không đồng nhất phải điều chỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng lưu ý các sở, ngành, địa phương, để tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn 5 năm, 10 năm tới, phải làm tốt quy hoạch đất đai cấp huyện và lồng ghép đầy đủ các quy hoạch ngành khác vào. Nếu trong thời gian tới, các địa phương, sở, ngành còn để xảy ra tình trạng các quy hoạch lệch pha nhau, tỉnh sẽ xử lý. “Làm tốt các quy hoạch, cải tạo môi trường đầu tư theo hướng đơn giản hóa các thủ tục cho DN sẽ giúp tỉnh đón được làn sóng đầu tư trong nước, nước ngoài trong những năm tới. Đồng Nai sẽ chọn lựa những nhà đầu tư có thực lực để cấp phép dự án, mục đích là để dự án triển khai nhanh, sớm đưa vào khai thác” – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Ông Hà Quan Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển đô thị công nghiệp số 2 (TP.Biên Hòa) cho hay: “Thời gian qua, công ty triển khai nhiều dự án về hạ tầng kỹ thuật, khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Trung bình một dự án thực hiện mất từ 4-5 năm. Khâu mất nhiều thời gian là làm hồ sơ và bồi thường giải phóng mặt bằng. Nếu hai khâu trên rút ngắn được thời gian, dự án sẽ sớm hoàn thành đưa vào khai thác, góp phần phát triển kinh tế”.

Môi trường đầu tư của tỉnh đã dần được cải thiện, điều đó thể hiện qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019 tăng được 3 bậc, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành. Tuy nhiên, so với những tỉnh, thành lân cận như: TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Long An thì môi trường đầu tư của tỉnh vẫn xếp thứ hạng chưa cao. Việc này sẽ “cản đường” cho thu hút đầu tư trong nước và triển khai các dự án trọng điểm để tạo đột phá trong phát triển kinh tế.

Xem thêm một số tin tức BĐS: Tại Đây

Theo: Báo Đồng Nai