Kết nối giao thông cho sân bay Long Thành
Theo quy hoạch, cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất cả nước khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Do đó, việc đầu tư, xây dựng mạng lưới giao thông kết nối có vai trò hết sức quan trọng để khai thác tối đa hiệu quả của “siêu” dự án này.
Xây dựng mạng lưới giao thông kết nối
Dự án Sân bay Long Thành được xây dựng với công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Đối với quá trình xây dựng, dự án Sân bay Long Thành được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2025 gồm một đường băng cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Để phát huy hiệu quả khai thác, Bộ GT-VT cùng với các địa phương đã thống nhất quy hoạch đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông kết nối với sân bay Long Thành gồm các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt.
Trong quy hoạch hệ thống giao thông kết nối, đảm nhiệm vai trò kết nối trực tiếp từ sân bay Long Thành đến các tuyến đường ngoại giao liên vùng sẽ là 2 tuyến đường số 1 và 2 sẽ được đầu tư xây dựng mới. Trong đó, tuyến đường số 1 (dài 3,8km) sẽ kết nối từ quốc lộ 51 vào đến sân bay Long Thành và tuyến số 2 (dài 3,5km) bắt đầu từ đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, kết nối trực tiếp vào tuyến số 1.
Cũng đóng vai trò kết nối sân bay Long Thành với các tuyến giao thông đối ngoại còn có 2 tuyến đường tỉnh 25B và 25C. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, đây là 2 tuyến đường vừa đóng vai trò trục chính của đô thị Long Thành – Nhơn Trạch vừa đóng vai trò kết nối giao thông cho sân bay Long Thành.
Đối với các tuyến giao thông đối ngoại, đóng vai trò kết nối sân bay Long Thành với các địa phương khác trong vùng, theo quy hoạch sẽ có các tuyến đường bộ bao gồm cả các tuyến đường cao tốc và 2 tuyến đường sắt.
Cụ thể, để đảm bảo kết nối giao thông liên vùng với sân bay Long Thành sẽ là 2 tuyến đường vành đai 3 và 4. Trong đó, đường vành đai 4 là tuyến đường kết nối chính sân bay với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.
Riêng với hệ thống đường cao tốc, theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh có 5 tuyến cao tốc đi qua. Trong đó, có 3 tuyến cao tốc đóng vai trò kết nối giao thông cho sân bay Long Thành gồm: TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; Bến Lức – Long Thành và Biên Hòa – Vũng Tàu.
Hiện nay, tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã đưa vào khai thác với quy mô 4 làn xe. Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đang được triển khai xây dựng và đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đang thực hiện các bước đầu tư.
Ngoài đường bộ, để đảm bảo kết nối giao thông cho sân bay Long Thành, theo quy hoạch cũng có 2 tuyến đường sắt sẽ được đầu tư xây dựng gồm: một tuyến đường sắt tốc độ cao và một tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành kết nối trực tiếp đến nhà ga.
Đảm bảo tính đồng bộ
Cuối tháng 7 vừa qua, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Đồng Nai về tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công và dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã khẳng định quyết tâm không lùi thời hạn khởi công xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Theo đó, hiện nay đơn vị đang đàm phán với các tổ chức quốc tế để vay vốn cho dự án Xây dựng sân bay Long Thành. “Về tiến độ, việc khởi công Xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ thực hiện trong năm 2021 và sẽ không lùi tiến độ cuối cùng của dự án là đưa giai đoạn 1 vào hoạt động trong năm 2025” – ông Vũ Thế Phiệt khẳng định.
Với quỹ thời gian chỉ còn hơn 5 năm, việc hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối để khai thác tối đa hiệu quả của sân bay Long Thành giai đoạn 1 trở nên hết sức cấp bách.
Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định khi cho rằng, giao thông kết nối cho sân bay Long Thành là rất quan trọng, phải làm đồng bộ, nên các bộ, ngành liên quan phải rà soát, thẩm định. “Phải có tầm nhìn, chứ không thể đợi xây sân bay Long Thành xong mới kết nối” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Trên thực tế, đối với 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành chỉ được triển khai thực hiện khi Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, hiện nay, Đồng Nai đã chuẩn bị sẵn sàng cho công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để phục vụ xây dựng 2 tuyến đường này.
Đối với 2 tuyến đường 25B và 25C, hiện nay tuyến đường 25B đã được Đồng Nai đầu tư mở rộng với quy mô nền đường rộng 9m chạy song song với đường 25B hiện hữu trước đó. Riêng tuyến đường 25C có chiều dài toàn tuyến khoảng 14,5km hiện nay cũng đã được đầu tư xây dựng 11km cuối tuyến. Còn lại hơn 3km đầu tuyến nối với quốc lộ 51 sẽ được đầu tư xây dựng trong thời gian tới với bề rộng lên đến 100m.
Để đảm bảo tính đồng bộ trong kết nối giao thông cho sân bay Long Thành, vấn đề cấp bách hiện nay là việc đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc. Trong 3 tuyến đường cao tốc có vai trò kết nối giao thông cho sân bay Long Thành, hiện nay mới chỉ có đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, với quy mô 4 làn xe, sau 5 năm đưa vào khai thác, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây hiện đã trở nên quá tải, nhất là vào các dịp lễ, tết. Chính vì vậy, Đồng Nai đã có kiến nghị đến Chính phủ sớm thực hiện đầu tư mở rộng tuyến đường này.
“Đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là tuyến giao thông trục chính kết nối TP.HCM với sân bay Long Thành. Do đó, để đảm bảo kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ khi sân bay Long Thành đi vào khai thác, Chính phủ cần xem xét cho phép đầu tư mở rộng tuyến cao tốc này lên 8-10 làn xe. Đồng thời, mở rộng nút giao đường dẫn từ TP.HCM vào đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây” – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đối với tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành hiện đang được triển khai xây dựng, UBND tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để chủ đầu tư tiếp tục triển khai thi công dự án.
Riêng đối với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Đồng Nai cũng đã kiến nghị Chính phủ quan tâm bố trí nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ để kết nối hạ tầng ra vào sân bay Long Thành. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự án này là gần 15 ngàn tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua tỉnh Đồng Nai có tổng mức đầu tư hơn 12 ngàn tỷ đồng.
“Để đảm bảo tính khả thi của dự án, ngân sách nhà nước cần hỗ trợ khoảng 7,3 ngàn tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dự kiến hỗ trợ khoảng 2,3 ngàn tỷ đồng. Vì vậy, Đồng Nai đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ thêm khoảng 5 ngàn tỷ đồng để giải phóng mặt bằng đoạn qua Đồng Nai nhằm sớm triển khai thực hiện dự án” – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.
Đối với 2 tuyến đường vành đai 3 và 4, UBND tỉnh kiến nghị đến Chính phủ sớm chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Cụ thể, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GT-VT đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án thành phần 1A (kéo dài từ tỉnh lộ 25B, H.Nhơn Trạch đến nút giao với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây) và sớm triển khai thực hiện dự án thành phần 2A (từ nút giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đến điểm giao với tỉnh lộ 25B).
Đối với đường vành đai 4, Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GT-VT sớm nghiên cứu triển khai thực hiện dự án đường vành đai 4 – TP.HCM đoạn từ cầu Thủ Biên (tỉnh Bình Dương) đến Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) trong giai đoạn 2021-2025.