Lãi suất thấp kỷ lục, người dân rút tiền gửi đầu tư chứng khoán, bất động sản?
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng với việc lãi suất tiết kiệm liên tục giảm đã khiến cho tiền nhàn rỗi trong cư dân chảy vào các kênh có khả năng sinh lời cao hơn như bất động sản hay chứng khoán và giảm tiền gửi tại hệ thống ngân hàng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối quý 3/2021, tổng tiền gửi của khách hàng tại các TCTD đạt hơn 10,55 triệu tỷ đồng, tăng hơn 530 nghìn tỷ so với đầu năm. Mức tăng trưởng này chủ yếu nhờ nhóm khách hàng doanh nghiệp với lượng tiền gửi tăng hơn 380 nghìn tỷ, tương đương tăng 7,8%. Trong khi đó, tiền gửi của dân cư chỉ tăng thêm hơn 150 nghìn tỷ, tương đương tăng 2,9%.
Đáng chú ý, tiền gửi dân cư đã giảm 2 tháng liên tiếp tháng 8, tháng 9. Cụ thể, tiền gửi của người dân trong tháng 9 sụt giảm tới gần 1.500 tỷ đồng xuống còn hơn 5,291 triệu tỷ. Trước đó, lượng tiền gửi của người dân cũng đã giảm gần 1.000 tỷ đồng trong tháng 8. Lũy kế hai tháng qua, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đã giảm gần 2.500 tỷ đồng.
Hoạt động rút tiền khỏi ngân hàng của người dân trong một năm qua có bối cảnh là mặt bằng lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục. Cụ thể, lãi suất huy động dao động từ 3 – 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 – 5% đối với kỳ hạn 6 – 12 tháng và 4,2 – 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5 – 7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9-11% đối với khoản vay trên 12 tháng.
Theo Chứng khoán Bảo Việt, các tác động của dịch Covid-19 cùng với việc lãi suất tiết kiệm liên tục giảm (trung bình chỉ còn 5,5% vào cuối tháng 10 với kỳ hạn 12 tháng, giảm khoảng 0,57 điểm phần trăm so với cùng kỳ) đã khiến cho tiền nhàn rỗi trong cư dân chảy vào các kênh có khả năng sinh lời cao hơn như bất động sản hay chứng khoán và giảm tiền gửi tại hệ thống ngân hàng.
Thực tế, số liệu Trung tâm Lưu ký Việt Nam (VSD) vừa công bố, chỉ trong tháng 10-2021 đã hơn 129.500 tài khoản chứng khoán do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới, tăng gần 13% so với tháng trước. Con số này chỉ đứng sau kỷ lục lập vào tháng 6 vừa qua với hơn 140.000 tài khoản chứng khoán mở mới trong một tháng.
Như vậy, thị trường chứng khoán đã chứng kiến 8 tháng liên tiếp số lượng tài khoản mở mới đều nằm trên mức 100.000.
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2021, đã có gần 1,09 triệu tài khoản do nhà đầu tư cá nhân mở mới, tăng gấp gần ba lần số tài khoản mở mới của cả năm trước, cao hơn tổng số tài khoản đã được nhóm này mở trong cả 4 năm 2017 – 2020 cộng lại (1,03 triệu tài khoản).
Sự tham gia mạnh của nhóm nhà đầu tư cá nhân cũng là nhân tố chính khiến thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục phá đỉnh với thanh khoản cao kỷ lục. Riêng tại phiên giao dịch cuối tuần trước, giá trị giao dịch trên ba sàn chứng khoán đạt gần 56.340 tỷ đồng, vượt xa kỷ lục 52.145 tỷ đồng thiết lập cách đó hai tuần.
Tại buổi họp báo gần đây, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, nếu huy động với lãi suất quá thấp thì người dân sẽ không gửi tiền ngân hàng, chuyển sang mua nhà, đầu tư chứng khoán. Và điều này có thể dẫn đến bất ổn cho nền kinh tế.
Phó Thống đốc nhận định. Nếu huy động với lãi suất quá thấp thì người dân sẽ không gửi nữa mà đi mua nhà, mua vàng, có thể dẫn đến bất ổn. Muốn ổn định thì vẫn phải có nguồn tiền gửi để cho vay.
”Các ngân hàng chủ yếu vay từ người dân để cho vay trở lại nền kinh tế. Do đó, các tổ chức tín dụng phải duy trì được nguồn vốn đầu vào, ổn định lãi suất, đảm bảo lợi ích người gửi tiền mới có thể huy động”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Theo: vietnambusinessinsider