Mô hình thành phố sân bay ở Long Thành sẽ là cú hích cho thị trường BĐS
Theo TS Sử Ngọc Khương, giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, mô hình thành phố sân bay đầu tiên tại Việt Nam này được đánh giá sẽ mở ra triển vọng tươi sáng cho thị trường BĐS Đồng Nai trong nhiều năm tới.
Là “cú hích” cho thị trường BĐS Đồng Nai
Dự kiến, dự án sân bay quốc tế Long Thành sẽ được khởi công xây dựng vào đầu năm 2021, và giai đoạn 1 sẽ khánh thành năm 2025. Cách Tp.HCM khoảng 40 km về hướng Đông, và với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm khi hoàn tất các giai đoạn (gồm 3 giai đoạn), Sân bay quốc tế Long Thành sẽ trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai.
Và đây cũng được đánh giá là lợi thế cạnh tranh về kinh tế, chính trị, văn hóa, và du lịch rất lớn của tỉnh Đồng Nai so với các tỉnh thành lân cận, hay trên bình diện trung của cả nước. Có được điều này, phải kể đến những lợi thế lớn của tỉnh Đồng Nai, trên các mặt về mặt cơ sở hạ tầng về xã hội, kinh tế.
TS Sử Ngọc Khương cho hay, sau năm 1975 Đồng Nai là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp lớn nhất ở Việt Nam. Nơi đây được kế thừa những dự án, nhà máy từ trước năm 1975, sau đó chính quyền đã cởi mở hơn trong việc kêu gọi đầu tư nước ngoài.
“Tôi cho rằng xét về khu vực kinh tế công nghiệp, Đồng Nai đã đạt được cả về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, hệ thống giao thông kết nối khá thuận tiện. Yếu tố thứ ba là về mặt địa lý, gồm 2 vấn đề là địa lý và giao thông, Đồng Nai được xem như là lõi trung tâm của khu vực phía đông TP.HCM, ngoài ra, tỉnh thành này còn có kết nối dễ dàng với các tỉnh thành khác như Bình Dương, Long An,… và cảng biển nước sâu Cái Mép-Thị Vải, nơi có hệ thống cảng biển dài hơn 11km”, TS Khương nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cho rằng, mô hình thành phố sân bay đầu tiên tại Việt Nam này được đánh giá sẽ mở ra triển vọng tươi sáng cho thị trường BĐS Đồng Nai trong nhiều năm tới, mặc dù vậy để hiện thực hóa và tận dụng tối đa tiềm lực của dự án này, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Cần yếu tố nào để mô hình TP Sân bay thành hiện thực?
Theo TS Khương, xét về mặt khó khăn thì phải kể đến yếu tố ý chí, và năng lực tài chính, năng lực phát triển. Để hiện thực hóa dự ánThành phố sân bay Long Thành, Đồng Nai và các nơi là điểm đến của các chuyến bay tại đây cần đáp ứng được 2 yếu tố lớn. Yếu tố thứ nhất là quyết tâm về chính trị rất lớn từ tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai, vì khi nhắc đến vấn đề quy hoạch, đô thị- ý chí chính trị là yếu tố quan trọng nhất. Yếu tố thứ hai chính là nguồn lực, bao gồm về mặt quy hoạch của tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là khu vực Long Thành. Kế đến là năng lực tài chính, khả năng của đội ngũ quy hoạch và khả năng thực thi.
“Về lâu dài từ 10 đến 30 năm, một khi sân bay được hoàn thiện xong trong vòng 5-7 năm tới thì câu chuyện đạt được mục tiêu trở thành đô thị sân bay sẽ tùy vào quyết tâm của nhiều thế hệ của các ban lãnh đạo của tỉnh Đồng Nai cần kế thừa lẫn nhau, dưới sự chỉ đạo của Trung Ương”, ông Khương nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, để có thể có được quy hoạch tổng thể cũng như là thu hút đầu tư để đạt được nguồn lực tài chính mạnh mẽ cho tỉnh Đồng Nai thì tỉnh cần cân nhắc lại nguồn lực và năng lực tài chính, năng lực phát triển của mình, để đạt được nguồn nội lực cần thiết để tính đến chuyện thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Những nhà đầu tư nước ngoài sẽ xem xét các khía cạnh sau khi cân nhắc đầu tư: Sự ổn đinh chính sách, năng lực phát triển, và sự phát triển tính kế thừa của đô thị đó trong vòng 20-30 năm sau và xa hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm: Đất Long Thành lại nóng
TS Khương nhận định, việc hoàn thiện xong sân bay Long Thành không có nghĩa là chúng ta đã đạt được mục tiêu cuối cùng trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ cho tỉnh Đồng Nai.
Chúng ta có những nhiệm vụ mang tính kế thừa và phát triển đó là làm sao để tỉnh Đồng Nai trở thành một nơi mà các nhà đầu tư phải hướng tới. Ngoài ra, về hướng phát triển của Đồng Nai là tập trung vào công nghiệp, công nghiệp dịch vụ từ trước đến nay, thì bên cạnh những yếu tố trên thì những ngành công nghiệp dịch vụ đó cần phải mang tính quốc tế hơn, toàn cầu hơn, trong trường hợp đây là chuỗi công nghiệp khép kín từ sản xuất, hậu cần, kho bãi, vận chuyển ra các cảng nước sâu và đi ra thế giới.
Bên cạnh đó, yếu tố vốn đầu tư từ các cá nhân trong và ngoài nước cũng góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa mô hình lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam này. Cần có thêm những bài toán giúp liên kết giữa công và tư, liên kết giữa các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước cũng như cần các chuyên gia không những trong nước mà còn ở ngoài nước, áp dụng các mô hình của thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu vào Việt Nam. Bài toán kết hợp giữa công tư như thế nào là một bài toán lớn và cần những cơ chế mang tính kinh tế thị trường hơn là mặt quản lý nhà nước.
TS Khương nhấn mạnh, để giải quyết bài toán trên, yếu tố tác động quan trọng nhất vẫn là kinh tế thị trường. Các đơn vị hành chính thường có những mục tiêu về chính trị, nhưng các đơn vị về kinh tế thì mục tiêu của họ chính là bài toán về nền kinh tế. Việc giải quyết được các nhiệm vụ này một cách hài hòa chính là bài toán lớn.
Ngoài ra có những nhóm tư vấn cho các ủy ban nhân dân tỉnh và Chính phủ trong việc hỗ trợ triển khai để có thể đạt được mục tiêu là điều cần thiết. Nếu nhóm vốn này là ngoài quốc doanh, liên quan đến bài toán về kinh tế thì cần phải có sự mạch lạc để tận dụng được các nguồn lực kinh tế từ các nguồn khác nhau nhằm đạt được mục tiêu chính trị, đây sẽ là một sức hút cho các doanh nghiệp tham gia cùng với tỉnh Đồng Nai.
Xem thêm một số bài viết khác về BĐS: Tại Đây
Theo Trí thức trẻ