Trong bối cảnh các kênh đầu tư như như vàng, chứng khoán và tài chính có nhiều rủi ro, thì bất động sản (BĐS) vẫn là kênh được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.

Theo các chuyên gia BĐS, trong gần một năm qua, nhiều kỷ lục được thiết lập của các kênh đầu tư khiến dòng tiền xoay chuyển chóng mặt từ các kênh đầu tư an toàn sang kênh đầu tư rủi ro, nhưng có lợi nhuận cao hơn. Dự báo năm 2021 kênh đầu tư như vàng, chứng khoán,… vẫn tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, với đà phục hồi của thị trường BĐS thì nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn kênh này như một hướng đầu tư an toàn. Thực tế, giao dịch BĐS đang ấm dần lên những tháng gần đây bất chấp dịch bệnh.

Đất nền vùng ven tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của khách hàng

Năm 2021, ngoài BĐS du lịch nghỉ dưỡng dự báo khó khăn còn kéo dài, tất cả phân khúc thị trường BĐS khác vẫn rất tiềm năng. Hiện lãi suất thấp đang tạo điều kiện tích cực cho BĐS phục hồi. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay không phải là thời của BĐS đầu cơ. Chuyên gia BĐS khuyến cáo, nhà đầu tư nên bám sát các chính sách vĩ mô của nhà nước, theo sát các chính sách hỗ trợ.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nhận định, cơ hội cho thị trường BĐS 2021 là rất lớn, sẽ là sân chơi cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý phòng tránh rủi ro về pháp lý, kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực tài chính, tín dụng doanh nghiệp, kiểm soát rủi ro quy mô doanh nghiệp.

Năm 2021, có khả năng các ngân hàng thương mại sẽ dư thừa dòng tiền, chính sách lãi suất cho vay mua nhà ở sẽ ngày càng hấp dẫn, các nhà đầu tư có thể trông chờ vào việc tận dụng những lợi thế này để tiếp tục “đổ tiền” vào BĐS.

“Thị trường BĐS đã trải qua một thời gian dài đầy biến động. Trước khi dịch bệnh Covid-19 tới, thị trường đã có nhiều khó khăn, nhất là về nguồn cung mới. Nguồn cung sụt giảm mạnh nhất là ở hai thị trường BĐS lớn Hà Nội và TP.HCM. Khi nguồn cung BĐS giảm, nhà đầu tư cũng dần dịch chuyển dòng tiền vốn sang đầu tư theo hướng khác. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 tác động sâu rộng đến nhiều ngành kinh tế, dòng tiền của nhà đầu tư không biết chuyển đi đâu để bảo toàn nguồn vốn, cuối cùng lại đổ vào BĐS”, ông Lê Hoàng Châu cho hay.

Ông Nguyễn Khánh Duy – Giám đốc Bộ phận Kinh doanh Nhà ở Savills Việt Nam cho rằng, dù đà “giảm tốc” của thị trường BĐS diễn ra ngày càng rõ rệt ở nguồn cung và sức cầu. Tuy nhiên, thời điểm khó khăn này là cơ hội cho các doanh nghiệp hay cá nhân có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư BĐS. Đây có thể coi là thời điểm vàng dành cho các thương vụ mua bán và sát nhập các dự án BĐS tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Hình ảnh hạ tầng dự án Century City tại xã Bình Sơn, Huyện Long Thành

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam dự báo, dòng vốn trong năm 2021 sẽ vẫn tập trung vào các kênh đầu tư chính là chứng khoán và BĐS. Giữa việc chọn gửi ngân hàng với mức lãi suất rất thấp, vàng đã qua giai đoạn cao điểm, trái phiếu doanh nghiệp không còn màu mỡ thì chứng khoán vẫn tiếp tục là kênh trú ẩn tạm thời có tính thanh khoản cao. Tuy vậy, với giới đầu tư trung và dài hạn, BĐS mới là sân chơi được ưu ái nhiều nhất. Tâm lý đầu tư của người Việt dù giai đoạn nào cũng luôn có niềm tin vào việc tăng giá của BĐS, đặc biệt, khi dân số ngày càng gia tăng, đất đai không thể mở rộng.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc bộ phận R&D Công ty DKRA Việt Nam cho biết, trong năm 2021, đất nền được dự đoán sẽ là kênh đầu tư ưa chuộng, tập trung chủ yếu ở các tỉnh giáp ranh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới tăng mạnh ở hầu hết các địa phương và quận, huyện ngoại thành TP.HCM.

Nghiên cứu của Batdongsan.com còn cho thấy tính vượt trội về lợi nhuận của đầu tư BĐS so với các kênh đầu tư khác. Cụ thể, từ năm 2010-2020, tốc độ tăng giá nhà tại quận Ba Đình Hà Nội đạt 335%, tốc độ tăng giá nhà tại quận 5, TP.HCM đạt 213%. Trong khi đó, cùng biên độ thời gian, tốc độ tăng giá vàng chỉ đạt 22%, chỉ số VN-Index là 45%.

Theo Batdongsan.com, bài học từ thị trường BĐS Hong Kong qua các cuộc khủng hoảng kinh tế và đại dịch SARS 2003 cho thấy, giá BĐS không suy giảm dù lượng giao dịch giảm mạnh trong năm đầu và sớm tăng trưởng trở lại vào năm sau đó. Chính bởi vậy, nhà đầu tư có niềm tin rằng kịch bản này sẽ lặp lại sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

Theo: TN&MT