Xây dựng TP. Thuận An thành trung tâm thương mại – tài chính mới
Trong 5 năm trở lại đây (giai đoạn 2015-2020), ngành dịch vụ – thương mại của TP.Thuận An tăng bình quân 22,8%, tiếp tục phát triển cả về quy mô và ngành nghề hoạt động, chất lượng phục vụ ngày càng được cải thiện và nâng cao, đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Kết quả đó là nền tảng, động lực để TP.Thuận An tạo bước đột phá trở thành trung tâm thương mại, tài chính của tỉnh trong giai đoạn mới.
Đặt nền tảng cho đột phá
Những năm qua, các loại hình dịch vụ trong từng lĩnh vực của thành phố đã phát triển nhanh chóng và đa dạng, như dịch vụ bưu chính viễn thông, vận tải, dịch vụ kinh doanh kho bãi, bảo hiểm. Đặc biệt, TP.Thuận An là địa phương sở hữu cơ sở hạ tầng dịch vụ hiện đại, đồng bộ với 6 siêu thị, 7 trung tâm thương mại, trong đó có 3 trung tâm thương mại có quy mô lớn là Aeon, Minh Sáng Plaza và Lotte, 42 siêu thị mini (cửa hàng tiện ích), 23 chợ theo quy hoạch, có khoảng 30.000 hộ kinh doanh hoạt động thương mại – dịch vụ. Thương mại – dịch vụ cơ bản đáp ứng nhu cầu mua bán, giao lưu hàng hóa của các tầng lớp dân cư, đóng góp trực tiếp, đáng kể vào phát triển kinh tế của thành phố, hỗ trợ các ngành sản xuất khác phát triển, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tạo việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, là một địa phương phát triển nhiều khu công nghiệp, trong đó có những khu công nghiệp kiểu mẫu đạt chuẩn quốc tế, hệ thống dịch vụ cụm cảng – kho bãi trên địa bàn bước đầu hình thành với quy mô khá lớn, mở ra hướng phát triển loại hình dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao và tiềm năng. Trên địa bàn hiện có 36 doanh nghiệp làm dịch vụ logistic, trong đó có 3 doanh nghiệp làm dịch vụ trọn gói với quy mô diện tích 5,9ha, vốn đầu tư trên 70 triệu USD gồm Công ty TNHH Mapletree (Singapore), Trung tâm kho YCH – Protrade và Công ty kho vận miền Nam, khu kho cảng An Sơn.
Phối cảnh khu căn hộ Legacy Central ngay trung tâm TP. Thuận An
Với những kết quả, lợi thế và tiềm năng đang có, ngành thương mại – dịch vụ của TP.Thuận An đang phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng vững chắc cho những bước bứt phá để xứng tầm trở thành trung tâm thương mại – dịch vụ của tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết: “Thời gian qua công nghiệp trên địa bàn thành phố phát triển mạnh, nông nghiệp ổn định, thu nhập dân cư địa phương tăng đã thúc đẩy các ngành dịch vụ nhanh chóng phát triển. Mặt khác, cùng với chính sách mời gọi đầu tư, đồng thời đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, TP.Thuận An đã thu hút mạnh đầu tư vào dịch vụ chất lượng cao với những dự án có quy mô lớn. Những kết quả này sẽ là nền tảng, là động lực để TP.Thuận An tạo bước đột phá trong phát triển dịch vụ theo hướng hiện đại, văn minh, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Thuận An lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra”.
Hình thành trung tâm thương mại – tài chính
Là thành phố phát triển công nghiệp, hiện nay TP.Thuận An đang chuyển mình từ trung tâm công nghiệp thành trung tâm dịch vụ theo đề án quy hoạch, xây dựng đô thị Thuận An đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 của UBND tỉnh Bình Dương. Đặc biệt, trục Quốc lộ 13 chạy từ Trung tâm Lái Thiêu tới đường Nguyễn Văn Tiết được UBND tỉnh quy hoạch thành đại lộ kinh tế, tài chính, dịch vụ của Bình Dương. Đây sẽ là một “cú hích” để TP.Thuận An sớm trở thành trung tâm thương mại – dịch vụ của tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết: “Với mục tiêu tập trung tối đa nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng đạt các tiêu chí đô thị loại I song song với phát triển ngành dịch vụ, đưa TP.Thuận An thành đô thị văn minh, giàu đẹp vào năm 2025 góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh nói chung, TP.Thuận An đưa ra mục tiêu cụ thể cho tăng trưởng ngành thương mại – dịch vụ. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị bình quân hàng năm của lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch đạt 23%/ năm”. Ông Tâm cho biết thêm, bước đi đầu tiên trong lộ trình trở thành một trung tâm tài chính mới đó là việc đầu tư, nâng cấp một phần trục Quốc lộ 13 ngang qua TP.Thuận An thành đại lộ tài chính – thương mại – dịch vụ lớn nhất tỉnh. Bước tiếp theo, từ trục đại lộ này sẽ phát triển 5 trung tâm thương mại cấp đô thị, nhằm đưa TP.Thuận An thành trung tâm công nghiệp – tài chính – dịch vụ. Từ đó tạo đòn bẩy thu hút các dự án đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Được xây dựng kế hoạch đầu tư công lớn thứ hai toàn tỉnh (đợt 1 năm 2021) với nguồn vốn hơn 500 tỷ đồng, TP.Thuận An dành ưu tiên và khẩn trương triển khai các hạng mục giải phóng mặt bằng Quốc lộ 13, các đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú đến ngã tư cầu Ông Bố, cầu Ông Bố đến nút giao Hữu Nghị, nút giao Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong…
Để hoàn thành mục tiêu, trong giai đoạn mới TP.Thuận An sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng hạ tầng giao thông vận tải phải đi trước một bước, nhằm gắn kết các đầu mối giao thông, tạo lực cho các ngành dịch vụ phát triển. Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng lớn và sức cạnh tranh cao như dịch vụ đô thị, dịch vụ công nghiệp với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ thương mại, văn hóa, thể thao, viễn thông, giao thông, vận tải chuyên dùng phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm thương mại (TTTM) tại phường Lái Thiêu, The Canary – Guocoland, phường Bình Hòa, Contentment, phường Vĩnh Phú… Xây dựng các siêu thị tập trung ở các phường An Phú, Bình Hòa với diện tích 12.000m2, vốn đầu tư dự kiến 145 tỷ đồng. Phát triển các trung tâm thương mại tập trung ở các phường Lái Thiêu, Thuận Giao, An Phú với diện tích 40.596m2, vốn đầu tư dự kiến hơn 406 tỷ đồng.
Ngoài ra, để phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của địa phương, thời gian tới TP.Thuận An tập trung phát triển các ngành dịch vụ thương mại tạo bước đột phá trong du lịch sinh thái. Trong đó, đầu tư kết cấu hạ tầng phù hợp cảnh quan môi trường du lịch sinh thái sông nước miệt vườn đến các vùng cây ăn trái đặc sản, các làng nghề truyền thống địa phương, góp phần phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch làm tăng giá trị tài nguyên và môi trường sinh thái cho các khu vực khai thác du lịch. Thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư khai thác phát triển đa dạng sản phẩm du lịch. Đồng thời tổ chức kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng, khu du lịch vui chơi giải trí và tổ chức các dịch vụ hỗ trợ du lịch chất lượng cao.
Theo: Báo Bình Dương