Trong khi vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 11 tháng của năm chỉ nhích nhẹ 0,1%, vốn đăng ký tăng mạnh gần 27% so cùng kỳ, tập trung tại nhiều địa phương có ngành công nghiệp phát triển.

Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương mới đây thông tin, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài được hơn 2 tỉ USD (vượt gần 15% so kế hoạch năm), gồm 64 dự án đầu tư mới (592 triệu USD), 24 dự án điều chỉnh tăng vốn (808 triệu USD), 161 dự án góp vốn (669 triệu USD). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.011 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 37 tỉ USD.

Tương tự, tỉnh Long An cũng công bố thu hút vốn FDI tăng mạnh trong 11 tháng qua, trở thành quán quân trong thu hút FDI của cả nước. Cụ thể, tổng vốn đầu tư đăng ký tính đến cuối tháng 11 của Long An đạt 3,76 tỉ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký cả nước (cùng kỳ năm ngoái Long An chỉ thu hút hơn 810 triệu USD vốn FDI).

Tính đến hết tháng 11, toàn tỉnh Long An có 1.269 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn lên tới 12,234 tỉ USD, đứng thứ 9 cả nước về tổng số vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, riêng tháng 11, có 2 dự án đầu tư với phần vốn góp của nhà đầu tư Nhật Bản trị giá 35 triệu USD vào Công ty cổ phần Dược phẩm 3/2 tại Khu công nghiệp Long Hậu 3 (giai đoạn 1) và dự án Công ty TNHH Lotte Eco Logis của nhà đầu tư Hàn Quốc tại KCN Phú An Thạnh với tổng vốn đầu tư gần 13,5 triệu USD. Trước đó, dự án FDI điện khí LNG Long An I và II do VinaCapital GS Energy Pte.Ltd (Singapore) đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới 3,1 tỉ USD…

Trước đó, trong tháng 11, tỉnh Đồng Nai cho biết, thu hút vốn FDI vào khu công nghiệp tỉnh này tăng mạnh sau dịch, vượt 156,5% kế hoạch của năm 2021 với gần 1,1 tỉ USD, trong đó có 46 dự án FDI mới với số vốn đầu tư đăng ký là 358,85 triệu USD và 94 dự án FDI tăng vốn đầu tư thêm 736,64 triệu USD. Mới nhất, giữa tháng 11, Đồng Nai đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất, gia công KSM ENG Vina với 100% vốn Hàn Quốc, đóng tại KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD (tương đương 225 tỉ đồng).

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), trong 11 tháng qua, nhiều dự án FDI đã tăng vốn đầu tư, điển hình là dự án LG Display (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2 lần vào tháng 2 và tháng 8 với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 2,15 tỉ USD, dự án nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan – Trung Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD…

Từ đầu năm đến nay, cả nước có 1.577 dự án đầu tư nước ngoài mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tuy giảm 32,8% về số lượng dự án so với cùng kỳ năm trước, nhưng số vốn đăng ký lại tăng 3,76%, đạt gần 14,1 tỉ USD. Vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu, đạt trên 14 tỉ USD, chiếm 53% tổng vốn đầu tư đăng ký; thứ 2 là ngành sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỉ USD, chiếm 21,6% tổng vốn đầu tư đăng ký; thứ 3 là kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 2,41 tỉ USD và 1,27 tỉ USD.

Thanhnien.vn