Đổ xô săn đất nền để xây nhà trọ cho thuê
Tin thị trường
0
Ăn chắc mặc bền
Kinh doanh bằng hình thức xây nhà trọ cho thuê tại các quận, huyện vùng ven TP.HCM như Hóc Môn, quận 12, quận 9, Bình Tân…, thậm chí cả Bình Dương, đang được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng.
Anh Nguyễn Minh Hoàng, hiện đang là trưởng phòng kinh doanh một công ty tại quận 3 (TP.HCM) đã tích góp và vay mượn được 4 tỷ đồng để mua một mảnh đất và xây 20 phòng trọ cho thuê tại quận 9 (TP.HCM). Nhằm tăng tính an toàn cho khách và tạo sự khác biệt đối với những người đi trước, anh Hoàng tự bỏ thêm chi phí để thuê bảo vệ về giám sát an ninh của khu nhà trọ và lao công làm vệ sinh khu vực.
“Mỗi căn nhà trọ khép kín của tôi có diện tích từ 16 – 25 m2, an ninh đảm bảo và vệ sinh sạch sẽ, nên giá thuê trung bình mỗi căn là từ 3 – 3,5 triệu đồng/tháng. Vị chi, mỗi tháng doanh thu của dãy nhà trọ mang lại khoảng 70 triệu đồng”, anh Hoàng bộc bạch.
Hình thức kinh doanh xây nhà trọ cho thuê này không chỉ nở rộ tại TP.HCM, mà còn lan sang các tỉnh vùng ven. Trong đó, là mảnh đất tập trung nhiều khu công nghiệp lớn, quỹ đất dồi dào và giá còn rẻ, Bình Dương được nhiều nhà đầu tư từ TP.HCM ngắm tới.
Theo anh Hải, một người có kinh nghiệm trong đầu từ bất động sản cho rằng, đầu tư và bất động sản thì hình thức mua đất xây nhà trọ là cách đầu tư “ăn chắc mặc bền”. Phù hợp với những người có nguồn tiền nhàn rỗi, không muốn gửi tiết kiệm trong ngân hàng vì lãi suất thấp.
Anh Hải kể, vừa rồi có người rao bán mảnh đất rộng 150 m2 với giá 700 triệu đồng tại Bình Dương. Qua nhiều lần khảo sát và tìm hiểu, anh đã quyết định mua để xây nhà trọ, phục vụ nhu cầu nhà ở cho những công nhân làm việc tại các khu công nghiệp gần đó. Sau khoảng hơn 5 năm kinh doanh, anh Hải đã thu hồi đủ vốn. Mặc dù giá thuê phòng ở Bình Dương thấp hơn so với TP.HCM, nhưng với số lượng công nhân đông, nhu cầu lớn, dãy phòng trọ của anh lúc nào cũng trong hình trạng “sáng đèn”, bình quân mỗi tháng doanh thu khoảng 20 triệu đồng.
“Tiếng là bỏ một cục rồi nhặt tiền lẻ, nhưng nhiều người vẫn bỏ tiền vào mua đất gần khu công nghiệp, trường đại học… để xây nhà trọ cho thuê, bởi ngoài việc có thu nhập ổn định từ tiền thuê nhà, yếu tố tăng giá bất động sản cũng rất lớn. Sau khi đã cho thuê được kín phòng, bạn có thể bán lại miếng đất kèm nhà với giá cao hơn nếu không muốn kinh doanh nữa”, anh Hải cho biết.
Phải tính toán kỹ lưỡng
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), quy mô dân số TP.HCM đã lên đến gần 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư (chiếm khoảng 23% dân số); có hơn 400.000 sinh viên; hàng năm có thêm hơn 50.000 cặp kết hôn mới.
Bên cạnh đó, theo khảo sát của Sở Xây dựng TP.HCM, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, hiện có khoảng 500.000 hộ chưa có nhà. Trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tại Thành phố, có khoảng 139.000 người chưa có nhà ở. Trong tổng số hơn 402.000 công nhân, lao động đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của Thành phố, có đến 284.000 người (chiếm 70,6%) phải thuê nhà trọ.
Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, đây là một tín hiệu tích cực của thị trường, bởi người dân tích cực tham gia giải quyết chỗ ở cho người nhập cư, người thu nhập thấp.
“Hiện nay, nhà cho thuê của các doanh nghiệp nhà nước hay các chủ đầu tư mà sử dụng vốn ngân sách chỉ giải quyết được khoảng 13% nhu cầu nhà ở của người dân nhập cư, công nhân, sinh viên…, còn lại hơn 87% là người dân tự giải quyết”, ông Châu cho biết.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong cũng nhấn mạnh, việc kinh doanh phòng trọ cho thuê cũng rất phức tạp và nhiều rủi ro. Bởi khách thuê phòng trọ thường là những người có thu nhập thấp và không phải người thuê trọ nào cũng giống nhau. Nếu thiếu kinh nghiệm sàng lọc khách thuê ngay từ đầu, chủ nhà có thể gặp phải người thuê phòng trọ thuộc thành phần xấu. Lúc này, chủ nhà sẽ gặp rất nhiều rắc rối và việc kinh doanh cũng khó khăn hơn.
Do đó, trước khi quyết định đầu tư, chủ nhà phải tính toán thật kỹ lưỡng, từ vị trí cho đến cách huy động vốn sao cho hợp lý. Còn đối với những người đang hoạt động, phải chú ý đến khâu quản lý, tránh tình trạng mất cả chì lẫn chài.
Theo: Báo Đầu tư Bất động sản