Thống nhất phương án đầu tư cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu
Cuối tháng 8 vừa qua, UBND 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu đã có buổi làm việc thống nhất phương án đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Theo đánh giá của lãnh đạo 2 tỉnh, đây là dự án quan trọng cần được sớm đầu tư để giảm tải cho quốc lộ 51 đang quá tải hiện nay.
* Không đầu tư toàn tuyến
Theo đơn vị tư vấn là Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam – Tedi South, dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có điểm đầu nối với đường Võ Nguyên Giáp (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa), cách ngã tư Vũng Tàu 6,5km và điểm cuối là nút giao Vũng Vằn, TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Dự án đi qua các xã, phường: Phước Tân, Tam Phước (TP.Biên Hòa), An Phước, Long Đức, Lộc An, Long An, Long Phước, Phước Thái (H.Long Thành) của tỉnh Đồng Nai và Mỹ Xuân, Phú Mỹ, Tóc Tiên, Châu Pha (TX.Phú Mỹ), Long Hương (TP.Bà Rịa), P.12 (TP.Vũng Tàu) của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tổng chiều dài toàn tuyến là gần 78km, được chia cụ thể đoạn Biên Hòa – Phú Mỹ (cao tốc) dài 38km; đoạn Phú Mỹ – đường ven biển TP.Vũng Tàu dài 28km; đoạn từ đường ven biển TP.Vũng Tàu đến Quốc lộ 51C dài 2,8 km và đoạn nối Phú Mỹ – quốc lộ 51 (vào cảng Cái Mép – Thị Vải) dài 8,8km.
Cũng theo đơn vị tư vấn đề xuất, dự án sẽ tách làm 2 dự án thành phần, trong giai đoạn 1 sẽ đầu tư 38km đường cao tốc từ Biên Hòa đến Phú Mỹ và 8,8km đường nhánh vào cảng Cái Mép, như vậy sẽ phù hợp với thực tế hơn. Phương án này cũng được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng và Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Lê Tuấn Quốc thống nhất. “Đơn vị tư vấn đưa ra phương án đầu tư chia thành 2 dự án thành phần là hợp lý, vì nếu đầu tư toàn tuyến số vốn sẽ rất lớn, khó thực hiện” – ông Quốc chia sẻ.
Cũng theo tính toán của đơn vị tư vấn, trong giai đoạn 1 này, tuyến đường sẽ được đầu tư với mặt cắt ngang đường cụ thể từ TP.Biên Hòa đến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là 6 làn xe, đoạn tiếp theo là 8 làn xe và tuyến nhánh vào cảng Phú Mỹ là 6 làn xe.
* Vốn giải phóng mặt bằng lớn
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, tổng diện tích giải phóng mặt bằng cho dự án gần 514ha, trong đó diện tích giải phóng mặt bằng tại Đồng Nai hơn 273ha và diện tích đất tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là hơn 240ha. Tổng số tiền dự kiến cần phải chi trả cho giải phóng mặt bằng lên đến gần 7.500 tỷ đồng, trong đó tiền chi trả bồi thường trên địa bàn Đồng Nai là hơn 5.500 tỷ đồng và tiền đền bù tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hơn 1.900 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, đây là khoản tiền khá lớn, nếu phần bồi thường trên địa bàn Đồng Nai do tỉnh thực hiện sẽ rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh tỉnh đang phải thực hiện nhiều dự án đầu tư và hỗ trợ cho doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn do dịch Covid-19 như hiện nay.
Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh, đây là dự án quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, vì vậy để thực hiện dự án tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương hỗ trợ để triển khai dự án. “Hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu đã thống nhất hướng tuyến, phương án đầu tư và các nút giao, đường gom trên địa bàn 2 tỉnh. Một số vấn đề phát sinh tỉnh đã giao cho Sở Giao thông – vận tải phối hợp với đơn vị tư vấn cập nhật để hoàn thiện” – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nói.