Toàn bộ huyện Long Thành sẽ trở thành đô thị
Thay vì định hình 3 phân vùng để phát triển đô thị thì theo định hướng quy hoạch mới, toàn bộ H.Long Thành sẽ được phát triển trở thành đô thị.
Không phân vùng phát triển đô thị
Theo đồ án quy hoạch vùng H.Long Thành đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng Thẩm định quy hoạch xây dựng tỉnh Đồng Nai thông qua vào tháng 3-2020, trong định hướng tổ chức không gian đô thị với mục tiêu tập trung khai thác lợi thế về quỹ đất, hạ tầng kinh tế, khu vực đô thị vùng H.Long Thành sẽ được phân chia thành 3 phân vùng phát triển gồm: đô thị Long Thành (bao gồm TT.Long Thành mở rộng và khu phức hợp công nghiệp – đô thị – dịch vụ Long Thành); đô thị Bình Sơn và đô thị Phước Thái.
Tuy nhiên, vào tháng 7-2020, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp và đất ở tại đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó, H.Long Thành có bổ sung 2 khu công nghiệp (KCN) Long Đức 3 và Bàu Cạn – Tân Hiệp với diện tích gần 3 ngàn ha.
Tháng 8-2020, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo H.Long Thành thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất KCN tăng thêm đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Theo ông Nguyễn Phong An, Phó chủ tịch UBND H.Long Thành, do nội dung điều chỉnh, cập nhật bổ sung diện tích các KCN vào đồ án quy hoạch vùng với quy mô lớn đã làm thay đổi các dự báo phát triển đất đai và mô hình phát triển vùng. Điều này dẫn đến việc phải thực hiện rà soát, lập hồ sơ điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch xây dựng mới cho phù hợp.
Một trong những điều chỉnh quan trọng trong đồ án quy hoạch vùng H.Long Thành đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 là việc sẽ không định hướng 3 phân vùng phát triển đô thị như trước đây mà mục tiêu quy hoạch mới là sẽ phát triển toàn bộ H.Long Thành trở thành đô thị.
Cụ thể, mục tiêu được đưa ra là đến năm 2025, toàn bộ H.Long Thành sẽ được nâng cấp lên đô thị loại IV và sẽ trở thành đô thị loại III vào năm 2030. “Hiện nay, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng cũng đã đồng thuận sẽ giao UBND tỉnh lập quy hoạch chung toàn huyện theo Luật Quy hoạch đô thị. Tức về cơ bản đã nhìn nhận toàn bộ H.Long Thành sẽ phát triển như là một đô thị để lập đồ án quy hoạch đô thị” – ông Nguyễn Phong An cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Phong An, quy hoạch chung H.Long Thành sẽ là cơ sở để lập các quy hoạch phân khu của đô thị nhằm thực hiện việc quản lý xây dựng. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch chung tiến tới lập quy hoạch phân khu phải kéo dài vài năm mới được phê duyệt. Do đó, trước mắt, quy hoạch vùng H.Long Thành cần được phê duyệt làm cơ sở phê duyệt quy hoạch chung các xã để tổ chức quản lý xây dựng trong thời gian hoàn thiện quy hoạch các phân khu. “Việc lập quy hoạch xây dựng các xã trong thời gian tới sẽ mang tính chất đô thị hóa chứ không phải mang tính chất của một xã bình thường của một huyện thuần nông để thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị Long Thành” – ông Nguyễn Phong An nêu quan điểm.
Xác định vị trí đô thị trung tâm
Theo đồ án quy hoạch vùng H.Long Thành đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, về cấu trúc không gian phát triển, vùng H.Long Thành sẽ được phân thành 5 phân vùng phát triển xác định bởi địa giới hành chính, các tuyến giao thông chính và địa hình tự nhiên.
5 phân vùng phát triển vùng H.Long Thành gồm: vùng đô thị TT.Long Thành mở rộng và khu phức hợp công nghiệp, đô thị – dịch vụ Long Thành (phân vùng 1 gồm: TT.Long Thành, xã Tam An và một phần các xã An Phước, Long Đức, Lộc An); vùng đô thị Bình Sơn nằm ở phía Đông Bắc của huyện (phân vùng 2 bao gồm một phần các xã Bình Sơn, An Phước, Lộc An, Long Đức và Bình An); vùng dịch vụ thương mại – đô thị hỗn hợp phía Tây huyện (phân vùng 3 bao gồm: một phần các xã Long An, Long Phước và Phước Thái); vùng khu vực chức năng đặc thù cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành (phân vùng 4 gồm: xã Bàu Cạn và một phần các xã Long An, Long Phước, Cẩm Đường và Bàu Cạn); vùng công nghiệp đô thị dịch vụ – nông nghiệp công nghệ cao phía Nam sân bay Long Thành (phân vùng 5 gồm: các xã Phước Bình, Tân Hiệp và một phần các xã Phước Thái, Long Phước và Bàu Cạn).
Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Lê Mạnh Dũng cho biết, việc phân chia 5 phân vùng phát triển H.Long Thành như đồ án là phù hợp với tiềm năng và điều kiện thực tế. Ông Lê Mạnh Dũng cho rằng phân vùng 1 kết nối với TT.Long Thành và có sự lan tỏa phát triển từ đô thị Biên Hòa có nhiều lợi thế nên sẽ phù hợp để phát triển trong giai đoạn đầu thực hiện quy hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, sau năm 2040, gần như cả 5 phân vùng nói trên đều phát triển thành đô thị. Do đó, quá trình hoàn thiện quy hoạch phải xác định đô thị Long Thành sẽ là đô thị trung tâm của các vùng lân cận như vùng các huyện Cẩm Mỹ, Trảng Bom. Để đảm bảo tính đồng bộ, khi thực hiện quy hoạch phân khu đối với 5 phân vùng trên phải thực hiện cùng lúc, không làm nhỏ lẻ, từng phân khu. Đặc biệt, trong quy hoạch cần đánh giá đúng nhu cầu về giao thông khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động để có quy hoạch hệ thống giao thông phù hợp. “Sân bay Long Thành có công suất 100 triệu lượt hành khách mỗi năm là rất lớn” – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.