Sau đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, giá bất động sản liền thổ nhiều nơi tại Việt Nam tăng thẳng đứng. Nguyên nhân là do dòng tiền của nhà đầu tư đang đổ vào bất động sản trước áp lực lạm phát tăng mạnh.

Giá bất động sản liền thổ tăng thẳng đứng

Tại Hà Nội, cơn sốt biệt thự đã khiến giá nhiều căn tăng cao gấp 2, thậm chí gấp 3 chỉ sau 1 – 2 năm và tăng gấp 4 – 5 lần chỉ trong 3 – 4 năm qua.

Đáng chú ý, một khu đô thị ở Hưng Yên, giáp Hà Nội đã nhiều lần lập kỷ lục về giá. Cách đây 3 năm, chủ đầu tư dự án này giới thiệu ra thị trường dòng biệt thự đảo cọ có mức giá 20 tỷ đồng đối với căn nhỏ nhất khiến cả Hà Nội phải thốt lên “giá quá cao”.

Đến nay, những căn biệt thự này đã tăng giá gấp 3 lần, đạt mức 50 – 60 tỷ đồng, thậm chí muốn mua cũng không còn hàng. Tính bình quân, mặc dù thuộc tỉnh Hưng Yên, nhưng bất động sản liền thổ tại dự án này có giá lên đến 200 – 250 triệu/m2.

Tại khu vực phía Nam, giá đất dự án ở Nhơn Trạch, Biên Hòa (Đồng Nai) đã cán mức trên 100 triệu/m2. Cụ thể, tại dự án Swanbay (Nhơn Trạch) mức giá chào bán các biệt thự ven sông đã lên tới 130 triệu/m2. Dự án The Angel Island (Nhơn Trạch) được rao ở mức 100 – 120 triệu/m2.

Một dự án có quy mô 1.000ha ở Biên Hòa của chủ đầu tư có trụ sở ở Quận 1 cũng vừa được giới thiệu ra thị trường với giá 100 – 105 triệu/m2 dành cho biệt thự ven sông. Mức giá trên 100 triệu/m2 được xem là “khó có thể chấp nhận” với bất động sản tỉnh cách đây 1 – 2 năm. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đây là mức giá chung cho thị trường bất động sản vùng ven TP.HCM.

Nhà liền thổ được xem là kênh tích trữ tài sản an toàn của nhà đầu tư. Ảnh một dãy nhà phố Paragon City (trung tâm thị xã Tân Uyên) đã xây dựng hoàn thiện chỉn chu và đang được giới thiệu ra thị trường với giá chỉ từ 2 tỷ đồng/căn kèm theo nhiều ưu đãi hấp dẫn

Theo thống kê, trong năm 2021, chỉ có duy nhất một dự án biệt thự tại trung tâm TP.HCM được giới thiệu thị trường là Van Phuc Mansion thuộc khu đô thị Van Phuc City. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm trong đợt ra hàng này rất hạn chế, chỉ 40 căn biệt thự mặt tiền sông Sài Gòn.

Các dinh thự và biệt thự song lập Van Phuc Mansion có diện tích sử dụng lên đến 915 – 1.505m2, biệt thự Parkview Shopvilla diện tích sử dụng 768m2, nằm đối diện bến du thuyền Dragon Bay 5 sao và Club House, đồng thời sở hữu tầm nhìn trực tiếp ra công viên bờ sông The Long Park và sông Sài Gòn.

Tất cả đều sở hữu hồ bơi nước nóng tràn bờ riêng trên rooftop đầy khác biệt và riêng tư. Dòng sản phẩm này đang được DKRA Vietnam phân phối độc quyền với giá từ 60 – 160 tỷ đồng/căn.

Nguồn cung bất động sản liền thổ tại trung tâm TP.HCM chỉ chiếm 5% tổng nguồn cung mới, chứng tỏ quỹ đất tại khu vực trung tâm hiện nay còn rất hạn chế.

Đặc biệt là quỹ đất trong các đại đô thị đẳng cấp quốc tế như Phú Mỹ Hưng hay Van Phuc City. Theo đó, quỹ hàng thấp tầng tại các khu vực này dần trở thành hàng hiếm khó tìm, được các nhà đầu tư trên thị trường săn đón.

Trước áp lực lạm phát, nhà đầu tư săn bất động sản liền thổ

Hiện tượng giá nhà đất tăng theo chiều thẳng đứng cho thấy: Trong bối cảnh lãi suất không đuổi kịp tốc độ lạm phát, các nhà đầu tư thường rút tiền ra khỏi ngân hàng và đổ vào các kênh đầu tư như bất động sản.

Theo TS Trần Nguyễn Minh Hải – Đại Học Ngân Hàng TP.HCM: Bất động sản liền thổ, đặc biệt là nhà đất nội đô được xem là kênh đầu tư an toàn và hoàn hảo nhất cho dòng tiền trú ẩn tránh lạm phát trong bối cảnh giá vàng tăng không đáng kể, lãi suất tiền gửi ở ngân hàng chỉ giao động 4% – 6%, thị trường chứng khoán tiềm ẩn nhiều rủi ro, lên xuống thất thường. Cũng theo TS Hải, lạm phát khó có thể được kiểm soát trong năm 2022 và đây là tình hình chung trên toàn cầu.

IMF đưa tin, tại Mỹ, trong 6 tháng đầu năm, mức CPI (Consumer Price Index – chỉ số giá tiêu dùng) đạt 6,2%. Đây là mức lạm phát cao nhất tính từ tháng 3/2008 tại đất nước này. Tại Anh, mức lạm phát đạt 5,2%, cao nhất từ tháng 8/2012. Mức lạm phát tại Trung Quốc cũng cao nhất trong 13 năm qua.

Tại Việt Nam, sáng ngày 12/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã dự báo rủi ro lạm phát vào năm 2022 là rất cao. Covid-19 khiến việc di chuyển hàng hóa giữa các quốc gia và địa phương gặp nhiều cản trở, đẩy chi phí logistics tăng đáng kể.

Ngoài chi phí logistics tăng, đại dịch khiến chuỗi nhân lực lao động, chuỗi nguyên liệu đầu vào đứt gãy. Ba yếu tố này cộng hưởng khiến nguy cơ đẩy chỉ số giá sản xuất tăng mạnh.

Song song với các áp lực về sản xuất, giới phân tích nhận định, để kích cầu nền kinh tế sau đại dịch, chính phủ các nước sẽ nới lỏng chính sách tài khóa, bơm các gói kích thích kinh tế khiến một lượng tiền lớn được bơm ra thị trường. Tại Việt Nam, một gói 800.000 tỷ đồng dự kiến được bơm ra thị trường trong thời gian tới.

Hàng loạt các yếu tố cộng hưởng sẽ đẩy chỉ số lạm phát tăng mạnh, khiến các nhà đầu tư lựa chọn bất động sản liền thổ làm kênh trú ẩn càng lớn. Đây là lý do đưa mặt bằng giá phân khúc này liên tục lập đỉnh mới.

Theo: cafeland.vn