(PLO)- Nguồn cung và sức cầu của phân khúc đất nền trong năm 2021 có thể phục hồi và tăng so với năm 2020, tập trung chủ yếu ở vùng ven, các tỉnh giáp ranh TP.HCM.

Trong buổi báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản (BĐS) diễn ra sáng 7-1 tại TP.HCM, DKRA Việt Nam – đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường BĐS – đưa ra nhận định năm 2021 đất nền tiếp tục được lựa chọn là kênh đầu tư hàng đầu.

Nguồn cung tại TP.HCM khan hiếm

“Cả năm 2020 thị trường TP.HCM có bảy dự án mở bán (bốn dự án mới và ba dự án thuộc giai đoạn tiếp theo) cung cấp 564 nền đất. Con số này chỉ bằng 33% so với năm 2019. Tỉ lệ tiêu thụ đạt 59%, bằng 21% năm 2019” – ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển) DKRA Việt Nam, thông tin.

Trong khi đó, năm 2020 các tỉnh giáp ranh TP.HCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu mở bán đến 77 dự án (gấp 11 lần), cung cấp 12.651 nền. Lượng tiêu thụ khu vực này đạt 65% tổng nguồn cung, cho thấy sức hấp dẫn của đất nền đối với các nhà đầu tư.

DKRA Việt Nam cũng nhận định năm nay nguồn cung mới đất nền khu vực các tỉnh giáp ranh sẽ tiếp tục tăng, mặt bằng giá thứ cấp không có nhiều đột biến trong giai đoạn đầu năm 2021.

Với thị trường đất nền khu vực TP.HCM, năm 2021 sẽ tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới. “Các dự án đất nền năm nay ở TP.HCM sẽ tập trung ở các khu vực vùng ven như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 9… Tuy nhiên, chủ yếu trong số này là những dự án có quy mô nhỏ, phân lô hộ lẻ” – ông Hoàng cho hay.

Nhiều khách hàng từ xa đến tham quan một dự án đất nền vùng ven.
Ảnh: HUYỀN PHẠM
Bốn lực đẩy cho thị trường năm 2021

Không chỉ nhận định đất nền là kênh đầu tư được quan tâm, các chuyên gia BĐS còn cho rằng 2021 là năm thị trường vượt qua khó khăn để bước vào giai đoạn phát triển mới. Theo ông Phạm Lâm, CEO DKRA Việt Nam, năm nay thị trường sẽ cần nhiều lực đẩy để phục hồi và tăng tốc trở lại. Một trong những yếu tố lạc quan là diễn biến kinh tế vĩ mô và công tác kiểm soát dịch bệnh tốt của Việt Nam.

DKRA Việt Nam nhận định cần bốn lực đẩy chính cho thị trường BĐS năm 2021. Thứ nhất là về chính sách pháp lý. Hệ thống pháp luật liên quan đến BĐS nhà ở phải được bổ sung và hoàn thiện hơn nhằm bắt kịp diễn biến và nhu cầu thị trường. Các quy trình pháp lý cần được đơn giản hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc thủ tục, sớm hoàn thiện pháp lý dự án. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, gia tăng nguồn cung và góp phần ổn định mặt bằng giá trên thị trường.

Thứ hai là về hạ tầng giao thông, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, sớm đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, quy hoạch TP Thủ Đức cần được Nhà nước ban hành hướng dẫn cụ thể hơn để doanh nghiệp và người dân chủ động có chiến lược phát triển phù hợp.

Thứ ba là vai trò của doanh nghiệp BĐS. Doanh nghiệp nên đa dạng hóa kênh tiếp cận nguồn vốn mới từ thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư ngoại… để nâng cao năng lực tài chính, hạn chế phụ thuộc vào kênh huy động vốn từ khách hàng. Cùng với đó, chủ đầu tư phải chú trọng đầu tư cảnh quan, tiện ích dự án, đảm bảo chất lượng công trình và áp dụng linh hoạt các chính sách bán hàng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và thu hút sự quan tâm của người mua.

Doanh nghiệp còn phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các mô hình vận hành để cải tiến chất lượng dịch vụ và tối ưu chi phí. Quan trọng hơn hết, các doanh nghiệp phải nghiêm túc tuân thủ quy định của pháp luật, tránh những sai phạm gây bất ổn cho thị trường và xã hội.

Thứ tư là giải pháp phát triển BĐS xanh, bền vững. Đây là xu thế tất yếu cho thị trường và doanh nghiệp. Trong dài hạn, dự án đáp ứng các tiêu chí xanh và bền vững sẽ mang lại nhiều giá trị cho người mua, chủ đầu tư và cả cộng đồng. Do đó, BĐS xanh và bền vững nên được các chủ đầu tư chú trọng hướng tới trong tương lai gần.

“Chúng ta thấy năm 2020 có rất nhiều biến động như dịch COVID-19, xung đột Mỹ – Trung, các vấn đề liên quan đến tiền tệ. Tuy nhiên, câu chuyện COVID-19 sẽ được giải quyết sớm trong sáu tháng tới vì đã có vaccine, khi đó thị trường sẽ phục hồi nhanh” – TS kinh tế Trần Đình Thiên phân tích.

Ông Thiên cũng cho rằng thị trường sẽ phục hồi nhanh do việc ứng dụng các nền tảng công nghệ phát triển. Ví dụ như việc phát triển TP Thủ Đức sẽ rất khác vì đây được hoạch định là TP thông minh.

Một năm không có condotel nào mở bán ở thị trường lớn

Những thị trường từng dẫn đầu về phát triển condotel như Phú Quốc, Khánh Hòa, Đà Nẵng… trong cả năm 2020 không ghi nhận dự án mới mở bán, lượng tiêu thụ thấp và gần như không phát sinh giao dịch.

Theo DKRA Việt Nam, nguồn cung mới của condotel có thể tăng so với năm 2020, dao động trong khoảng 3.000 căn, tập trung ở thị trường Bình Thuận, Khánh Hòa và Phú Quốc.

Ở phân khúc căn hộ, năm 2021 nguồn cung mới tăng mạnh ở hầu hết các địa phương. Sức cầu tăng so với năm 2020, tuy nhiên rất khó sôi động như năm 2019. Ở TP.HCM, khu Đông và khu Nam tiếp tục duy trì tỉ trọng lớn trong nguồn cung mới. Căn hộ hạng A và hạng B dẫn dắt thị trường trong khi nguồn cung căn hộ hạng C tiếp tục khan hiếm.

Nguồn cung mới và sức cầu ở phân khúc nhà phố/biệt thự năm 2021 được dự báo hồi phục tích cực và có sự tăng nhẹ so với năm 2020; Đồng Nai có thể tiếp tục dẫn đầu. Ở TP.HCM, khu Đông và khu Nam vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong nguồn cung toàn thành. Những dự án nằm trong khu đô thị lớn, được quy hoạch bài bản bởi chủ đầu tư uy tín và có giá trị khoảng 10 tỉ đồng/căn sẽ được ưu tiên lựa chọn. 

KIÊN CƯỜNG – THÙY LINH