Bù Đăng là huyện nằm phía Đông Bắc của tỉnh Bình Phước, tiếp giáp các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai và 4 huyện, thị xã trong tỉnh (Bù Gia Mập, Phước Long, Phú Riềng, Đồng Phú), cách trung tâm tỉnh lỵ 54km, cách TP. Hồ Chí Minh 165km về phía Nam nên là địa bàn có nhiều tiềm năng và lợi thế. Hãy cùng Thế Giới Đất Việt tìm hiểu nhé.

Bù Đăng là địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh với 1.501km².

ban-do-hanh-chinh-huyen-bu-dang-binh-phuoc

Huyện có 16 đơn vị hành chính, gồm 15 xã và 1 thị trấn, dân số trên 150 ngàn  người, gồm 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, lập nghiệp. Bù Đăng là vùng đất có truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống đoàn kết các dân tộc, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần phong phú và đa dạng.

Khí hậu và thổ nhưỡng Bù Đăng rất thích hợp phát triển nhiều loại cây công nghiệp, chăn nuôi và kinh doanh tổng hợp nông – lâm nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với tiềm năng thuận lợi này đã tạo điều kiện cho Bù Đăng phát triển ngành nông nghiệp bền vững, là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh trên địa bàn huyện.

Toàn huyện hiện có 59.600 ha điều, 31.170 ha cao su, 10.200 ha cà phê, 1.370 ha hồ tiêu, 980 ha cây ăn trái…

Huyện Bù Đăng thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ của vùng Đông Nam bộ với Tây Nguyên, có các tuyến đường giao thông như: Quốc lộ 14, ĐT760, ĐT755, Cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành được phê duyệt vào tháng 06/2024 và đường Sao Bọng – Đăng Hà đã được đầu tư nâng cấp.

Đây là những tuyến giao thông huyết mạch vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và quốc phòng – an ninh của huyện, tạo thuận lợi cho Bù Đăng giao thương kinh tế với các tỉnh miền Đông Nam bộ và các tỉnh Tây Nguyên; giúp huyện gần hơn với các đô thị và khu dân cư thuộc vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.

Mạng lưới đường nhựa đã tới tất cả xã, thị trấn; đường liên xã, liên thôn ngày càng được nhựa hóa, bê tông hóa nhiều, tạo thuận lợi trong sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nông sản của nhân dân.

Quốc lộ 14 đoạn qua trung tâm huyện

Huyện Bù Đăng gần Nhà máy thủy điện Thác Mơ và trên địa bàn huyện còn có Nhà máy thủy điện Đắk Glun II, Thủy điện Đắk Ka, Thủy điện ĐaM’lo, Thủy điện Trường Sơn (Thống Nhất) đang triển khai xây dựng sẽ là nguồn cung cấp điện vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế. Ngoài tài nguyên đất và nước, địa bàn huyện còn có nhiều loại tài nguyên khoáng sản với trữ lượng khá lớn như cát, sỏi, đá, gạch, bôxít… phục vụ xây dựng.

Với quy mô và cơ cấu sản xuất ngành công nghiệp – xây dựng như hiện nay, ước tính giá trị tăng bình quân 13-14%/năm. Bù Đăng tập trung phát triển ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, sản xuất và chế biến các sản phẩm nông – lâm nghiệp như: cao su, cà phê, hồ tiêu, điều; sản xuất phân bón, thức ăn gia súc để tạo giá trị tăng thêm cho mặt hàng nông sản.

Đây là chiến lược hết sức quan trọng, là một “nắm đấm” để tạo động lực cho sự phát triển nhanh và vững chắc ngắn hạn cũng như trong dài hạn…

Tiềm năng phát triển du lịch

Bên cạnh lợi thế về phát triển nông nghiệp và công nghiệp, Bù Đăng còn có tiềm năng về du lịch rất lớn.

Do trong khu vực có nhiều sông suối, hồ đập, với quần thể thực vật phong phú, có cảnh quan thiên nhiên tương đối đa dạng, lại có 34 dân tộc anh em sinh sống, đặc biệt có cộng đồng người S’tiêng, Mơnông sinh sống lâu đời, trải qua nhiều thế hệ đã hình thành những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc như: Cồng chiêng, thổ cẩm, ẩm thực và các lễ hội dân gian, nhất là truyền thống yêu nước gắn với địa danh sóc Bom Bo đã đi vào huyền thoại đánh Mỹ trong cả nước, đã được tỉnh Bình Phước đầu tư xây dựng hoàn thành giai đoạn 1.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 2 di tích lịch sử (chùa Đức Bổn A Lan Nhã, Đồi Chi khu); 1 di tích khảo cổ (Di chỉ Dốc năm cây); 2 danh lam thắng cảnh (thác Voi, thác Bù Xa); 3 di tích danh lam thắng cảnh (trảng cỏ Bù Lạch, thác Đứng, thác Pan Toong); 1 di tích ghi dấu sự kiện (Căn cứ Nửa Lon)… Đây là những tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hóa của huyện.

Bù Đăng có nguồn nhân lực rất dồi dào

Với 93.727 người trong độ tuổi lao động, chiếm 64,05% số dân toàn huyện. Nhân dân có truyền thống yêu nước, cần cù trong lao động sản xuất, chịu khó khắc phục khó khăn, gian khổ. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; các dân tộc luôn đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Những điều kiện tự nhiên – xã hội này là tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội của huyện trong những năm tới. Vì vậy, huyện đã đề ra một số chỉ tiêu định hướng phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đó là: Phấn đấu xây dựng Bù Đăng phát triển bền vững, hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, Đức Phong đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.

Phát triển các trung tâm hành chính xã trở thành đô thị vệ tinh, hệ thống hạ tầng hoàn thiện để thu hút các loại hình dịch vụ chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển dịch vụ; chú trọng phát triển nông nghiệp chất lượng cao, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị; cải cách hành chính, giải quyết tốt vấn đề môi trường; nâng cao chất lượng GD-ĐT; giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…