4 công trình trọng điểm tại TP. Biên Hòa: Đề xuất nhiều giải pháp “thúc” tiến độ
Để kịp tiến độ khởi công 4 công trình trọng điểm trên địa bàn, TP. Biên Hòa đã đề xuất nhiều kiến nghị liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để rút ngắn thời gian thực hiện.
Tách công đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng thành tiểu dự án
4 công trình trọng điểm trên địa bàn TP. Biên Hòa gồm: dự án đường trục Trung tâm TP. Biên Hòa (đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn – cầu Thống Nhất và đường kết nối 2 đầu cầu); dự án đường ven sông Cái (đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản); dự án xây dựng Hương lộ 2 (giai đoạn 1) và dự án đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu). Theo kế hoạch, 4 dự án trọng điểm này sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2020.
Một trong những công tác quan trọng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án nói trên là việc giải phóng mặt bằng (GPMB), bồi thường, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Phó chủ tịch UBND TP. Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho hay, để đảm bảo cho việc khởi công các công trình này vào năm 2020, TP. Biên Hòa đã kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận một số chủ trương nhằm đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, GPMB và tái định cư cho người dân.
Cụ thể theo ông Lộc, TP. Biên Hòa kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận cho thành phố được tách phần bồi thường, GPMB và tái định cư tại 4 dự án này thành các tiểu dự án và giao cho UBND TP. Biên Hòa làm chủ đầu tư. Các tiểu dự án này sẽ thực hiện song song với các hạng mục khác của các dự án.
Bên cạnh đó, Biên Hòa cũng kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận cho thành phố được được phép ký hợp đồng với đơn vị chuyên môn là Trung tâm Kỹ thuật địa chính tỉnh để thực hiện việc đo đạc diện tích, vị trí các thửa đất nằm trong diện thu hồi tại các dự án để làm cơ sở ra thông báo thu hồi đất.
Theo ông Lộc, quy định trong công tác bồi thường hiện nay căn cứ vào Luật Đất đai thì việc đo đạc xác định từng thửa đất của từng hộ dân để thực hiện công tác thông báo thu hồi đất sẽ được làm sau khi dự án được phê duyệt hướng tuyến. Tuy nhiên, nếu làm theo theo quy trình này sẽ làm chậm tiến độ các dự án. Do đó, TP. Biên Hòa đề xuất được ký hợp đồng trước để thực hiện việc đo đạc phục vụ vẽ bản đồ làm cơ sở ra thông báo thu hồi đất. “Nếu được chấp nhận, công đoạn này sẽ giảm được thời gian khoảng 2 tháng rưỡi đối với giai đoạn bồi thường. Qua đó sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án”, ông Lộc cho hay.
Đồng thời, để rút ngắn thời gian thực hiện GPMB, TP. Biên Hòa cũng kiến nghị được tiến hành xác định giá đất cụ thể song song với việc kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất thuộc diện giải tỏa tại các dự án. Theo quy định của Luật Đất đai, việc xác định giá đất cụ thể từng dự án phải làm sau khi hoàn thành công tác xác định nguồn gốc đất. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác xác định nguồn gốc đất của 1 dự án nếu tập trung làm cũng phải mất 2 – 3 tháng mới xong. Như vậy, nếu sau khi làm xong việc kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất mới thực hiện xác định giá đất cụ thể sẽ làm kéo dài thời gian. “Do đó, chúng tôi kiến nghị được làm song song. Giá đất cụ thể sẽ được lấy theo giá năm 2020 chứ không phải giá tại thời điểm hiện tại. Nếu làm song song, thời gian thực hiện sẽ giảm được khoảng 4 – 5 tháng”, ông Lộc cho biết.
Làm nhanh nhưng phải đảm bảo đúng luật
Liên quan đến các kiến nghị của TP. Biên Hòa, Giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Đặng Minh Đức cho hay, đối với kiến nghị tách phần bồi thường, GPMB, tái định cư tại 4 dự án nói trên thành các tiểu dự án thì pháp luật cho phép. Do đó, TP. Biên Hòa có thể thực hiện để đẩy nhanh tiến độ. “Theo trình tự, chúng ta làm đo đạc trước nhưng nếu làm chậm thì quá trình xử lý bản đồ hồ sơ sẽ chậm. Nên việc tách thành tiểu dự án để thực hiện là hợp lý và sẽ giúp giảm thời gian”, ông Đức cho hay.
Đối với vấn đề thực hiện song song việc xác định giá đất cụ thể với việc kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, ông Đức cho rằng, theo quy định sau khi kiểm đếm xong, cơ quan chức năng sẽ ra thông báo thu hồi đất, xác định giá đất cụ thể. Do đó, nếu theo trình tự, thời gian thực hiện sẽ kéo dài nên việc làm song song các công tác này là phù hợp và kéo giảm thời gian. “Vừa rồi, UBND tỉnh cũng đã giải quyết kiến nghị tương tự của huyện Long Thành nên TP. Biên Hòa cũng có thể tiến hành nhưng phải đảm bảo khâu kiểm đếm thật kỹ, tránh bỏ sót dễ dẫn đến khiếu kiện về sau”, ông Đức phân tích.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường, việc xác định giá đất cụ thể không áp dụng nguyên tắc “quay trở lại”. Do đó, nếu việc kiểm đếm không chính xác, bỏ sót thì sau này khi bổ sung sẽ áp dụng mức giá khác nên dễ dẫn đến khiếu kiện của người dân. “Do đó, phải làm kỹ, chính xác”, ông Đức nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, các dự án trọng điểm nói trên có ý nghĩa rất lớn phục vụ cho việc phát triển TP. Biên Hòa cũng như tạo ra diện mạo đô thị mới. Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện là rất cấp thiết. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, làm nhanh nhưng phải đúng các quy định của pháp luật. “TP. Biên Hòa phối hợp với các sở, ngành liên quan để thực hiện. Làm sao đẩy nhanh tiến độ nhưng phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật”, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái yêu cầu.
Theo laodongdongnai.vn