Sẽ mở thêm khu công nghiệp diện tích lớn
Trong giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai dự kiến sẽ mở thêm một số khu công nghiệp (KCN) có diện tích lớn, trên 1 ngàn ha. Các KCN trên sẽ không chỉ thuần túy là đầu tư hạ tầng kỹ thuật và cho doanh nghiệp (DN) thứ cấp thuê lại để làm nhà xưởng, kho bãi mà sẽ có kèm các dịch vụ tiện ích khác đi kèm.
Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho Đồng Nai phát triển thêm 6,5 ngàn ha đất công nghiệp. Do đó, UBND tỉnh đang hoàn tất các thủ tục để trình Chính phủ cập nhật các KCN mới của tỉnh vào quy hoạch KCN Việt Nam để triển khai các bước tiếp theo.
KCN ngàn ha
Thời gian qua, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch Đồng Nai có 35 KCN, đến nay tỉnh đã thành lập 32 KCN. Trong đó có 31 KCN đã đi vào hoạt động và 1 KCN công nghệ cao Long Thành đang trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng và 3 KCN còn lại mới ở giai đoạn hoàn tất hồ sơ để mời gọi DN đầu tư hạ tầng.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong giai đoạn tới, tỉnh đã đề xuất mở thêm 6 KCN mới. KCN – đô thị – dịch vụ Xuân Quế ở xã Xuân Quế, Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) là KCN có diện tích lớn nhất tỉnh. Trước đây, dự kiến KCN – đô thị – dịch vụ Xuân Quế hơn 1,3 ngàn ha, nhưng sau khi tính toán và xin chủ trương từ Chính phủ, Đồng Nai sẽ nâng diện tích gấp 3 lần.
Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn cho biết: “Huyện đã đưa vào quy hoạch sử dụng giai đoạn 10 năm tới KCN Xuân Quế với diện tích gần 4 ngàn ha. Đây sẽ là KCN tổng hợp gồm có khu vực cho DN thứ cấp thuê làm nhà xưởng sản xuất, khu nhà ở, trung tâm thương mại, trường học… Sau khi quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt, huyện sẽ phối hợp với tỉnh hoàn thành các hồ sơ và mời gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật”. Cũng theo ông Thìn, có nhiều DN đã đến tìm hiểu muốn tham gia đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN Xuân Quế. Thế nhưng phải chờ hoàn thành các thủ tục, thu hồi đất, UBND tỉnh sẽ đưa ra đấu giá chọn nhà đầu tư.
Điểm thuận lợi của dự án KCN – đô thị dịch vụ Xuân Quế là diện tích đất được quy hoạch hầu hết đang trồng cao su thuộc Tổng công ty Cao su Đồng Nai quản lý. Như vậy, khi KCN trên được Chính phủ đưa vào quy hoạch KCN Việt Nam, sẽ tiến hành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thu hồi đất nhanh, dễ dàng hơn và không phải lo tái định cư cho những hộ dân bị thu hồi đất.
Mới đây, trong Hội nghị giao chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Trong giai đoạn tới, Đồng Nai vẫn xác định công nghiệp là ngành chủ đạo trong phát triển kinh tế. Hiện nay, đất công nghiệp của tỉnh đã cho thuê gần hết, các địa phương được quy hoạch mở rộng KCN phải phối hợp với các sở, ngành sớm hoàn thành các thủ tục để tiến hành chọn nhà đầu tư, triển khai nhanh hạ tầng để có đất thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài”.
Long Thành sẽ là trung tâm công nghiệp
Hiện nay, H.Long Thành đã có 5 KCN, nhưng tới đây sẽ quy hoạch thêm 4 KCN với diện tích gần 2,5 ngàn ha. Như vậy trong tương lai gần, H.Long Thành sẽ có 9 KCN và 3 cụm công nghiệp. Trong đó, KCN – đô thị – dịch vụ Bình An nằm trên địa bàn xã Bình An (H.Long Thành) có diện tích lớn nhất khoảng 1.135ha. KCN này cũng sẽ phân ra thành khu sản xuất công nghiệp, khu căn hộ, trường học, siêu thị và các dịch vụ khác đi kèm để phục vụ nhu cầu của người lao động làm việc trong KCN Bình An.
Ông Nguyễn Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Bình An cho hay: “Khu đất triển khai dự án KCN – đô thị – dịch vụ Bình An đều là đất cao su của Tổng công ty Cao su Đồng Nai không có hộ dân sinh sống trên đó. Vì thế, dự án này triển khai sẽ không phải thu hồi đất của người dân và tái định cư. Người dân trên địa bàn cũng mong KCN sớm được xây dựng, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động trong xã”.
Theo Phó chủ tịch UBND H.Long Thành Lê Văn Tiếp, các KCN mở mới đều được huyện cập nhật trong quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn tới. Sau khi các quy hoạch được phê duyệt, huyện sẽ thực hiện nhanh các dự án để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.
Theo: Báo Đồng Nai