Nhu cầu đầu tư, mua nhà đất vẫn rất cao
Trước đây, khi gặp khó khăn thì nhu cầu sụt giảm ngay lập tức. Nhưng ở giai đoạn hiện nay, thị trường bất động sản dù thiếu nguồn cung, nhưng nhu cầu một số phân khúc như khu công nghiệp, logictics, nhà ở…vẫn phát triển tốt.
Đó là chia sẻ của TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính Ngân hàng tại Tọa đàm “Bất động sản trong xu thế mới: Linh hoạt để thích ứng” do báo Người Lao động tổ chức sáng 28/10.
Theo TS Cấn Văn Lực, có 5.400 doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, vốn đăng ký đạt 343.000 tỉ đồng, tạo 35.000 việc làm mới. Có 1.000 doanh nghiệp bất động sản đã và đang hoạt động trở lại
Hoạt đông mua bán trên thị trường BĐS đã rục rịch trở lại, ngay sau thời điểm giãn cách
Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn rất tích cực. 9 tháng đầu năm ghi nhận vốn đăng ký mới đạt 1,74 tỉ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 2 sau nhóm chế biến, chế tạo… Phát hành trái phiếu cũng rất sôi động. Toàn bộ doanh nghiệp đã phát hành gần 400.000 tỉ đồng. Riêng doanh nghiệp bất động sản phát hành 148.000 tỉ đồng trái phiếu, chiếm 37%, đứng thứ 2 sau nhóm ngân hàng.
Cùng với đó, kỳ vọng sắp tới là thúc đẩy đầu tư công, hạ tầng phát triển thì thị trường bất động sản cũng sẽ được hưởng cú hích từ việc này. Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư công 2,87 triệu tỉ đồng, hý vọng đạt giải ngân 95%, cao hơn mức 75% của giai đoạn 2016-2020. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp phải thích ứng và phải linh hoạt hơn.
“Những yếu tố trên cho thấy người dân vẫn đầu tư vào bất động sản, vẫn mua nhà. Nhu cầu đầu tư, mua nhà đất vẫn cao”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, so với các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, đại dịch Covid-19 tác động tới nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản có sự khác biệt.
Trước đây, khi gặp khó khăn thì nhu cầu sụt giảm ngay lập tức. Nhưng ở đại dịch lần này, thị trường bất động sản dù thiếu nguồn cung, còn cầu một số lĩnh vực như bất động sản khu công nghiệp, logictics, nhà ở… vẫn phát triển tốt.
Khác biệt thứ 2, theo ông Lực là giá bất động sản không giảm, phản ánh nhu cầu thị trường vẫn cao. Dòng tiền rẻ, lãi suất thấp ở các nước và cả ở Việt Nam khiến cho dòng tiền chờ vào bất động sản tương đối dồi dào thời gian qua.
Đồng thời, tác động của đại dịch rất khác nhau, như lĩnh vực văn phòng, nghỉ dưỡng, khách sạn… rất khó khăn; còn các lĩnh vực khác như bất động sản khu công nghiệp, logictics vẫn tốt.
Về khả năng phục hồi của thị trường khả quan bởi những yếu tố như kinh tế của Việt Nam được dự báo phục hồi khá nhanh, sẽ như bật lò xo.
Theo ông Lực, dự báo quý 4/2021 được dự báo tăng trưởng phục hồi trở lại khoảng 4% và cả năm tăng trưởng khoảng 2,5% và năm tới 2022 có khả năng tăng trưởng kinh tế có thể đạt khoảng 6,5-7%.
Thuận lợi tiếp theo là mục tiêu của nhà nước vẫn chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư công mạnh hơn trong thời gian tới.
Về môi trường pháp lý, trong năm tới, Chính phủ sẽ dự kiến trình Quốc hội sửa 4 luật: Luật nhà ở, Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản và một số điểm trong Luật xây dựng. Và riêng năm nay, Chính phủ đã thống nhất dùng 1 luật sửa nhiều luật.
Hiện Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc xây dựng chương trình phục hồi kinh tế trong 2 năm 2022-2023, đang có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho khối doanh nghiệp. Kỳ vọng với những chương trình này cộng với khả năng nền kinh tế sẽ như lò xo bật sau đại dịch, khả năng tăng trưởng GDP trong năm 2022 ở mức 6,5%-7% là tương đối khả quan.
Về phía doanh nghiệp đã thay đổi để thích nghi, sẵn sàng trở lại nhưng cũng cần nói thị hiếu, nhu cầu của khách hàng đã thay đổi rất nhiều. Do đó, theo ông Lực, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cần chú ý về sản phẩm, chất lượng dịch vụ cũng phải khác đi và chuyển đổi số phải mạnh mẽ hơn.
Nhà đầu tư ưu tiên xuống tiền các dự án đã hoàn thiện hạ tầng, sổ đỏ chỉn chu. Ảnh về đêm của dự án Century City tại Long Thành Đồng Nai
Cùng quan điểm, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường BĐS có tín hiệu khởi sắc tích cực.
Theo ông Lâm, trong thời gian dịch kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10, hơn 70% các sàn giao dịch gặp khó khăn, chỉ có khoảng 30% sàn giao dịch hoạt động với công suất khoảng 50%; các hoạt động của môi giới giảm đáng kể. Thị trường bị tổn thương và người mua sụt giảm mạnh.
Lúc này, các nhà môi giới, chủ đầu tư đã cung cấp cho khách hàng qua công nghệ; tổ chức hoạt động giới thiệu các dự án cho khách hàng và tổ chức giao dịch qua nền tảng công nghệ. Đây là giải pháp giúp cho thị trường trở nên có động lực. Trong lúc khó khăn, vẫn có rất nhiều công ty môi giới và chủ đầu tư ứng dụng công nghệ để tiếp cận thị trường. Đây là tín hiệu tích cực.
Ông Lâm cho rằng, đến thời điểm hiện tại, mọi người đã thích nghi và sẵn sàng trong thời gian tới, tổ chức hoạt động bán hàng. Nhiều nơi đã bắt đầu mở bán và có tín hiệu giao dịch thành công trong tháng 10 này. Về phía khách hàng, trong giai đoạn hiện nay, để có được sự phục hồi về niềm tin của khách hàng với thị trường, chúng tôi nhận thấy nhiều khách hàng đã đầu tư trở lại. Sau một khoảng thời gian dù khách hàng còn thận trọng nhưng vẫn có khởi sắc. Khách hàng sẽ tập trung vào những thị trường có lợi thế, có tính ổn định như Tp.HCM, Bình Dương… những nơi ở vùng kinh tế phát triển sẽ thu hút hơn.
“Các chủ đầu tư lớn, có uy tín, có sản phẩm nhận được niềm tin của khách hàng. Và đây là thời điểm rất tốt để nhiều khách hàng tham gia thị trường nhận thấy sự điều chỉnh, cơ chế, chính sách… Các chủ đầu tư đưa ra nhiều chương trình về thanh toán thuận lợi, tài trợ lãi suất, thậm chí có chủ đầu tư đưa ra chính sách nhận nhà vào ở vẫn tiếp tục thanh toán. Đây là tín hiệu tích cực sau tái khởi động của nền kinh tế. Bức tranh này đem lại kỳ vọng tín hiệu lạc quan từ nay đến cuối năm 2021”, Ông Lâm nhấn mạnh.
Theo: Cafef